VIỆC KÝ KẾT CÁC HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HẠT NHÂN CỦA VIỆT NAM
25/09/2020
VIỆC KÝ KẾT CÁC HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
TRONG LĨNH VỰC HẠT NHÂN CỦA VIỆT NAM
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm hợp tác với Hoa Kỳ, tôi đã thông tin ngắn về các hợp tác hạt nhân của Việt Nam với Hoa Kỳ. Theo yêu cầu của một số đồng nghiệp muốn nắm rõ hơn về các Hiệp định hợp tác và Điều ước quốc tề về hạt nhân mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua, tôi xin được bổ sung bài viết này.
Do tính nhạy cảm của lĩnh vực hạt nhân liên quan đến phổ biến vũ khí hạt nhân, hoạt động khủng bố sử dụng vật liệu hạt nhân, nguồn phóng xạ và hậu quả của sự cố tai nạn bức xạ hạt nhân, cho nên cùng với các thiết chế để thúc đẩy ứng dụng năng lượng hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ( quy định pháp luật trong nước, các hiệp định hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế), thì các tổ chức quốc tế liên quan đã sớm quan tâm việc xây dựng các thiết chế (Điều ước quốc tế) để quản lý về không phổ biến vũ khí hạt nhân, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và bồi thường hạt nhân. Là người được tham gia các công việc liên quan chuẩn bị đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định hợp tác và điều ước quốc tế về hạt nhân của Việt Nam trong thời gian dài từ năm 1998 đến năm 2017 với trách nhiệm Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, tôi xin được hệ thống hóa và chia sẻ với cộng đồng hạt nhân về các hiệp định hợp tác và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trong lĩnh vực hạt nhân.
Nhìn lại hơn 20 năm qua từ khi trực tiếp tham gia chuẩn bị đàm phán các hiệp định hợp tác và điều ước quốc tế về hạt nhân có thể thấy rằng chúng ta đã có bước tiến rất dài trong lĩnh vực ký kết và tham gia các hiệp định hợp tác và điều ước quốc tế về hạt nhân. Về cơ bản các điều ước quốc tế về hạt nhân đã được ký kết bảo đảm cơ sở pháp lý cho phát triển ngành hạt nhân của nước ta theo chuẩn mực quốc tế, chỉ còn Công ước về bồi thường hạt nhân là chúng ta chưa tham gia. Có những người khi chúng tôi mời đến 59 Lý Thường Kiệt (Trụ sở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) họp về phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và chuẩn bị đề xuất ký kết Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân năm 2000 như anh Phạm Bình Minh, anh Lê Hòai Trung khi đó mới là Vụ Trưởng và Phó Vụ Trưởng vụ Các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao. Sau bao nhiêu năm bây giờ các anh đã là các lãnh đạo có tên tuổi ở trong nước (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương, Thứ trưởng). Hai kỳ họp Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Hà Lan (2014), Hoa Kỳ (2016) và một kỳ Hội nghị Thượng đình ASEAN ở Brunei (2013) có ký tắt Hiệp định 123 với Hoa Kỳ, tôi được tham dự cùng với anh Phạm Bình Minh. Có những buổi làm việc với các Bộ, ngành về việc thực hiện Dự án chuyển đổi nhiên liệu cho lò Đà lạt khi trao đổi trong buổi làm việc tôi đã sử dụng danh từ “bạn” cho đối tác Hoa Kỳ liền bị một cán bộ của một cơ quan chấn chỉnh ngay “ai là bạn?”. Quả thực tôi cũng hơi bất ngờ vì trong hoạt động đối ngoại chúng tôi đều xem đối tác là bạn đúng với chủ trương của Đảng là Viêt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Có những điều ước quốc tế tưởng như không thể vượt qua được do ý kiến còn quá khác nhau giữa các cơ quan trong nước, nhưng lại nhanh chóng được ký kết ở phút chót vì lãnh đạo cấp cao thấy cần thiết phải ký vì các lợi ích khác của quốc gia. Hiệp định hợp tác song phương với Trung Quốc và Hoa Kỳ đàm phán mất nhiều thời gian hơn so với các nước khác. Trung Quốc khi đàm phán thì họ không muốn mở rộng các lĩnh vực hợp tác đặc biệt là điện hạt nhân. Sau khi chúng ta có chủ trương làm điện hạt nhân với Nga, Nhật Bản và có nhiều hoạt động hợp tác về điện hạt nhân với Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc thì trong đợt tham dự Triển lãm điện hạt nhân tại Hà Nội 2004 khi làm việc với ta, phía Trung Quốc lại đề nghị bổ sung nội dung hợp tác điện hạt nhân vào trong Hiệp định. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy chưa cần thiết phải bổ sung và hiện nay Hiệp định đã ký với Trung Quốc là không có hợp tác về điện hạt nhân. Đối với Hoa Kỳ thì thủ tục ký kết Hiệp ước 123 của họ là phức tạp hơn do các quy định của pháp luật Hoa Kỳ. Hoa Kỳ ban đầu cũng muốn áp dụng “Tiêu chuẩn vàng” như họ đã ký với Các Tiểu vương quốc Ả rập (UAE) cho Việt Nam, tức là yêu cầu chúng ta cũng như UAE phải cam kết từ bỏ làm giàu và tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta đã đám phán và đạt được phương án tốt nhất, không mất chủ quyền quốc gia về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, không bị phải chấp nhận “Tiêu chuẩn vàng” như họ đã ký với UAE. Còn nhiều chi tiết khác về đám phán các Hiệp định hợp tác và Điều ước quốc tế về hạt nhân mà trong khuôn khổ bài viết này không thể kể ra hết được.
Sau đây là tóm tắt về việc ký kết và phê chuẩn một số Hiệp định hợp tác và Điều ước quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân của Việt Nam để mọi người hiểu về những kết quả mà chúng ta đã làm được, đặc biệt những kết quả trong gần 20 năm vừa qua:
Trong lĩnh vực thúc đẩy ứng dụng năng lượng hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã ký 8 Hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân cấp Chính phủ với các nước: Ấn Độ (ký ngày 25/3/1986); Hàn Quốc (ký ngày 20/11/1996); Trung Quốc (ký ngày 25/12/2000); Ác-hen-ti-na (ký ngày 19/11/2001; Liên bang Nga (ký ngày 27/3/2002); Pháp (ký ngày 12/11/2009); Nhật Bản (ký ngày 20/01/2011) và Hoa Kỳ (ký ngày 6/5/2014). Ở cấp cơ quan hạt nhân thì Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) cũng đã ký văn bản hợp tác song phương với nhiều đối tác của các nước trong khu vực và trên thế giới cả cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân. Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận ngày 25/11/2009, Chính phủ Việt Nam cũng đã ký Hiệp định liên chính phủ với Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân và ký Hiệp định liên chính phủ với Nhật Bản về xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân, Việt Nam đã ký Hiệp định thanh sát riêng cho lò Đà lạt năm 1977 phục vụ cho đàm phán Dự án khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt với Liên Xô (tuy nhiên Hiệp định này không còn ý nghĩa khi chúng ta ký NPT-1982); Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT-1982) ngày 14/6/1982; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và IAEA về việc áp dụng thanh sát theo NPT (Hiệp định thanh sát - SA -1989) ngày 2/10/1989 và có hiệu lực ngày 3/2/1990; Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (1997) ngày 27/3/1997; Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT-2006) ngày 24/9/1996 và phê chuẩn ngày 10/3/2006; Nghị định thư bổ sung của Hiệp định Thanh sát ngày 10/8/2007 và phê chuẩn ngày 17/9/2012;
Trong lĩnh vực an toàn hạt nhân, Việt Nam đã ký Công ước Thông báo sớm về tai nạn hạt nhân ngày 30/10/1987; Công ước Trợ giúp trong trường hợp tai nạn hạt nhân hoặc khẩn cấp phóng xạ ngày 30/10/1987; Công ước An toàn hạt nhân ngày 15/7/2010; Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ ngày 7/1/2014;
Trong lĩnh vực an ninh hạt nhân; Việt Nam đã ký Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân ngày 4/10/2012 và phê chuẩn ngày 3/11/2012; Phần sửa đổi của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân ngày 3/11/2012 và có hiệu lực ngày 8/5/2016; Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân ngày 23/9/2016; Nghị quyết 1540 và 1373 của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua ngày 28/4/2004 và ngày 28/9/2001 mà Việt Nam có trách nhiệm thực hiện với tư cách thành viên của Liên hợp quốc.
Trong lĩnh vực bồi thường hạt nhân, Việt Nam chưa tham gia các điều ước quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân khi xảy ra sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân làm ảnh hưởng đến con người và môi trường. Tuy nhiên, khi ký các Hiệp định về xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 và Trung tâm KH&CN hạt nhân thì chúng ta đã phải cam kết về bồi thường hạt nhân như một nước đã ký Công ước quốc tế về bồi thường hạt nhân. Vì vậy, nhiệm vụ nghiên cứu các công ước quốc tế về bồi thường hạt nhân vẫn phải tiếp tục được thực hiện để sớm đề xuất Chính phủ ký kết Công ước Viên năm 1997 về Bồi thường thiệt hại hạt nhân hoặc Công ước bồi thường bổ sung thiệt hại hạt nhân hoặc Công ước chung về Áp dụng Công ước Viên và Công ước Paris cũng như đấu tranh để yêu cầu các nước có nhà máy điện hạt nhân hoặc hoạt động bức xạ (sử dụng nguồn phóng xạ hoạt độ rất lớn) mà sự cố, tai nạn có thể có ảnh hưởng đến nước ta phải ký kết công ước bồi thường hạt nhân.
Xin được cảm ơn các cán bộ Ban Hợp tác Quốc tế Viện NLNTVN, Phòng HTQT và Phòng An ninh Thanh sát hạt nhân Cục ATBXHN đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác chuẩn bị đàm phán, tổ chức triển khai thực hiện các Hiệp định hợp tác, Điều ước quốc tế và chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền về các vấn đề liên quan. Sẽ là khiếm khuyết nếu không nêu tên các anh chị sau đã đồng hành cùng tôi trong các công việc này trong gần 20 năm khi tôi đảm nhận cương vị lãnh đạo Viện NLNTVN và Cục ATBXHN: TS. Trần Kim Hùng, Ths. Lê Doãn Phác, TS. Nguyễn Việt Hùng, TS. Hoàng Văn Sính, CN Vũ Đăng Ninh (Viện NLNTVN); TS. Nguyễn Nữ Hoài Vi, Ths. Lưu Nam Hải, Ths. Đặng Anh Thư và Ths. Bùi Thùy Anh (Cục ATBXHN).
Do không lưu được đủ các hình ảnh về các hoạt động liên quan, nên tôi chỉ cung cấp một số hình ảnh đối ngoại có liên quan. Nếu các anh chị của Viện NLNTVN và Cục ATBXHN có các hình liên quan đến các sự kiện đàm phán và ký kết các Hiệp định hợp tác và Điều ước quốc tế về hạt nhân mà chúng ta đã cùng nhau tham gia xin được chia sẻ để làm tư liệu lưu trữ và phổ biến cho mọi người biết. Trân trọng cảm ơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 7 năm 2020
Vương Hữu Tấn (Nguyên Viện trưởng Viện NLNTVN, Nguyên Cục trưởng Cục ATBXHN)
-
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA GS NGUYỄN NGUYÊN PHONG CHO NGÀNH HẠT NHÂN VIỆT NAM -
ĐỀ XUẤT CHỌN NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA NGÀNH NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM -
Công ty Doosan Heavy Industries và Construction của Hàn Quốc đã được trao hợp đồng sản xuất và cung cấp thiết bị áp lực cho dự án quốc tế Lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiện (Iter) tại Pháp. -
Pháp chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới