NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA GS NGUYỄN NGUYÊN PHONG CHO NGÀNH HẠT NHÂN VIỆT NAM
25/09/2020
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA GS NGUYỄN NGUYÊN PHONG CHO NGÀNH HẠT NHÂN VIỆT NAM
Ngày 1 tháng 7 năm 2020 tôi được mời tham gia Hội đồng chấm luận án thạc sỹ của Viện Vật lý kỹ thuật của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đang ngồi ở Hội đồng thì các cháu của Bộ môn Kỹ thuật hạt nhân và vật lý môi trường nói có một bác già tóc bạc đi xe đạp điện đến muốn gặp thày. Hóa ra là Giáo sư Nguyễn Nguyên Phong, thày dạy của tôi ở Đại học Bách khoa ngày xưa đến để được tặng tôi cuốn sách “Chuyện về một nhà giáo ưu tú”. Thật trân trọng tấm lòng của thày, dù tuổi cao U90 vẫn đến tận nơi để tặng cho tôi cuốn sách, trong khi mấy cậu học trò của thày muốn mang giúp để chuyển lại cho tôi, nhưng thày thì lại muốn trực tiếp mang tới mặc dù Hà nội những ngày này rất nóng. Gặp thày tôi rất vui vì thày vẫn còn khỏe và minh mẫn. Tôi đọc nhanh hết cuốn sách của thày và thấy phải ghi lại những đóng góp của thày cho ngành hạt nhân Việt Nam vì có thể nhiều người trong cộng đồng hạt nhân hiện nay không biết được.
GS Nguyễn Nguyên Phong sinh ngày 02.01.1938, tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 1957 là năm tôi được sinh ra trên đời. GS Phong đi thực tập sinh cao cấp về vật lý ở Liên Xô (1961-1963), làm công tác viên khoa học tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna (1966-1970). GS Phong tham gia giảng dạy vật lý và vật lý hạt nhân ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1957-1995), nhân học hàm Phó giáo sư (1980) và Nhà giáo ưu tú (1992), Tổ phó Bộ môn vật lý hạt nhân (1970-1995), Viện phó Viện Vật lý kỹ thuật (1985-1995), giảng dạy vật lý và vật lý hạt nhân tại Đại học Quốc gia Agostinho Angola (1995-2019), Giáo sư Đại học Thực thụ (Titular) từ năm 1995 của Angola, Cố vấn khoa học của Bộ KH&CN Angola (1998-2018).
Các đóng góp của GS Nguyễn Nguyên Phong cho ngành hạt nhân bao gồm những lĩnh vực sau:
1. Phát triển ứng dụng kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT) đầu tiên ở Việt Nam sử dụng bức xạ gamma và tia X
Trong giai đoạn 1970-1976 GS Nguyễn Nguyên Phong cùng các đồng nghiệp GS Nguyễn Tiến Lục, GS Nguyễn Mộng Giao, GS Ngô Phú An đã phát triển ứng dụng kỹ thuật NDT sử dụng bức xạ gamma và tia X đầu tiên ở Việt Nam để kiểm tra công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà máy nhiệt điện của Miền Bắc sau mỗi đợt bị bom Mỹ phá hoại, nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhà máy nhiệt điện Thủ Đức (kiểm tra mối hàn đường ống dẫn nước cao áp, kiểm tra vết nứt ở tuốc bin). Năm 1998 khi tôi là Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), GS Nguyễn Tiến Lục đã hợp tác tích cực để cho ra đời Hội NDT Việt Nam. Rất tiếc là khi Hội NDT ra đời thì GS Lục đã ra đi về cõi vĩnh hằng không được chứng kiến ngày thành lập Hội NDT Việt Nam. GS Ngô Phú An cũng đã ra đi năm ngoái, còn GS Nguyễn Mộng Giao thì đang ở Hoa Kỳ. Ngày nay Hội NDT Việt Nam đã lớn mạnh và phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế của đất nước như giao thông, cơ khí, xây dựng, cầu đường, chế tạo máy,.. Tuy nhiên, người đầu tiên triển khai ứng dụng kỹ thuật NDT ở Việt Nam là GS Nguyễn Nguyên Phong và các đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa Hà Nội đầu những năm 1970. Về sau GS Phong đã đề xuất một dự án viện trợ kỹ thuật của IAEA cho Đại học Bách khoa Hà Nội để phát triển ứng dụng kỹ thuật NDT ở Việt Nam. Cộng đồng NDT Việt Nam có lẽ chưa biết về sự kiện này để có những tri ân các bậc tiền bối trong lĩnh vực NDT ở Việt Nam.
2. Là những người đầu tiên tham gia chuẩn bị dự án khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt.
GS Nguyễn Nguyên Phong được cử làm Trưởng phòng Lò phản ứng và điện hạt nhân (LPU&ĐHN) đầu tiên của Viện NLNTVN sau khi thành lập năm 1976. Với cương vị là Trưởng phòng LPU&ĐHN, GS Phong là những cán bộ đầu tiên được phép vào khảo sát lò phản ứng hạt nhân Đà lạt sau khi được chuyển giao từ Bộ Quốc phòng quản lý sang cho Viện NLNTVN. Các công việc khảo sát liên quan đến các hệ thống công nghệ của lò, thùng lò, vành phản xạ, mái nhà lò,… là những nội dung quan trọng để phục vụ cho việc trao đổi với phía Liên Xô về dự án khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt. Hai bức ảnh bên dưới là những kỷ niệm của GS Phong với công việc này: (1) Buổi trao đổi về kế hoạch khảo sát hiện trạng kỹ thuật của lò Đà lạt năm 1977, (2) Khảo sát bề mặt thùng lò bằng thiết bị siêu âm. Sau giai đoạn khảo sát, việc triển khai thực hiện dự án khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt được GS Nguyễn Đình Tứ (Viện trưởng Viện NLNTVN) giao cho GS Phạm Duy Hiển, Phó Viện Trưởng Viện NLNTVN trực tiếp phục trách và GS Hiển đã sang Liên Xô ký Hợp đồng thực hiện công trình này vào ngày 9/10/1979. Theo GS Phong, khi đó cũng có đề xuất của các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô là làm một lò phản ứng mới theo tiêu chuẩn Liên Xô, công suất lớn hơn, khả năng khai thác sử dụng nhiều hơn thì lợi hơn là cải tạo một lò phản ứng nhỏ với khả năng khai thác hạn chế như lò Đà lạt do Liên Xô đã có kinh nghiệm thiết kế và xây dựng cho nhiều nước, vừa rẻ, vừa dễ làm, an toàn, lại thuận tiện và hiệu quả khai thác sử dụng tốt hơn nếu chọn vị trí ở gần Hà Nội hoặc gần thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Việt nam vẫn muốn giữ nguyên quan điểm của mình. Cuối cùng Công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt IVV-9 đã được khởi công ngày 15/3/1982. Nếu chúng ta cân nhắc đầy đủ phương án của Liên Xô đưa ra khi đó có khi đấy lại là phương án tốt hơn cho ngành hạt nhân Việt Nam!
3. Tham gia đàm phán Hiệp định Thanh sát cho lò Đà lạt để tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho Dự án khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Để có thể tiến hành dự án khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt thì theo quy định của các điều ước quốc tế liên quan, chúng ta còn chưa có đủ căn cứ pháp lý vì khi đó chúng ta chưa ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Để có thể làm được dự án khôi phục và mỏ rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần phải ký riêng một Hiệp định Thanh sát với IAEA về lò phản ứng hạt nhân Đà lạt. Chính phủ đã thành lập 4 tiểu ban liên quan gồm kỹ thuật, pháp lý, đối ngoại và an ninh quốc phòng rồi giao cho GS Nguyễn Đình Tứ và nhà ngoại giao Võ Đông Giang phụ trách. Viện NLNTVN đã tổ chức nghiên cứu các nội dung của Hiệp định do IAEA soạn thảo, tổ chức nhiều hội thảo liên quan và mời Đoàn Ủy ban Năng lượng nguyên tử Cuba sang tham vấn. Để đàm phán với IAEA về Hiệp định này, Chính phủ đã cử Đại sứ Việt nam tại Pháp Võ Văn Sung, một nhà ngoại giao lão luyện làm Trưởng đoàn, các thành viên gồm GS Phong về kỹ thuật, ông Lê Bá Cáp về ngoại giao, ông Luyện về pháp luật và TS Nguyễn Thọ Nhân (Phòng LPU&ĐHN, Việt kiều Pháp) làm phiên dịch. Cuộc đàm phán rất phức tạp, kéo dài suốt một tháng tại Viên (Áo), nhiều lúc tưởng như bế tắc vì quan điểm của ta khi đó thì nhiều nội dung của Hiệp định có vẻ như vi phạm chủ quyền quốc gia. Sau nay tôi cũng tham gia nhiều buổi họp về các Điều ước quốc tế thì thấy điều này cũng dễ hiểu vì khi đó chúng ta chưa mở cửa nên quan điểm về vấn đề thanh sát quốc tế là khó được sự đồng thuận của các bộ, ngành trong nước. Có nhiều vấn đề chuyên viên các bộ, ngành không thể nào đạt được sự đồng thuận nếu không có ý kiến chỉ đạo từ cấp cao. Nhiều điều nước quốc tế sau này chúng ta đã ký kết cũng như vậy. Trở lại Hiệp định thanh sát cho lò phản ứng Đà lạt khi đó đã tưởng bế tắc, không thể ký được thì bất ngờ Hiệp định lại được ký chỉ trước giờ Đoàn đàm phán lên đường về nước mấy tiếng đồng hồ. Nhờ có Hiệp định này mà dự án khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, mấy năm sau đó vào ngày 14/6/1982 Chính phủ Việt Nam đã ký kết tham gia và phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân thì Hiệp định nêu trên không còn ý nghĩa nữa và mọi người cũng hầu như quên mất giai đoạn khó khăn này (trước năm 1979). Quả thật tôi là người có nhiều năm làm việc với IAEA về các điều ước quốc tế liên quan của Việt Nam nhưng cũng không biết đến Hiệp định này. Hôm nay xin được ghi lại đây để cho các bạn đang được giao quản lý các Điều ước quốc tế về hạt nhân biết có một Hiệp định như vậy và Hiệp định này là cơ sở pháp lý cho việc triển khai dự án khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt giai đoạn ban đầu khi đàm phán và ký kết với Liên Xô ngày 9/10/1979.
4. Tham dự họp Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) những năm đầu tiên sau khi chúng ta tham gia trở lại Tổ chức này
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thành lập ngày 29/7/1957 và ngay khi thành lập IAEA, Việt Nam Cộng hòa đã là thành viên của Tổ chức này. Năm 1958 Việt Nam Cộng hòa thành lập Nguyên tử lực Cuộc để quản lý ngành năng lượng nguyên tử và năm 1962 thì thành lập Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà lạt. Sau giải phóng Miền Nam năm 1975, chúng ta muốn tiếp tục vai trò thành viên cũ của Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, sau giải phóng Miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tuyên bố hủy bỏ tất cả các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam Cộng hòa đã ký. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, phía Ấn Độ đã khuyên chúng ta nên sớm tham gia lại Tổ chức IAEA vì các lợi ích mang lại trong thúc đầy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Ấn Độ đã chia sẻ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vì vậy năm 1977 chúng ta đã quyết định tham gia trở lại làm thành viên của IAEA và cử Đoàn đi dự Đại hội đồng năm 1977 của IAEA. Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Mạnh Cầm, Đại sứ Việt Nam ở Tây Đức làm Trưởng Đoàn và các thành viên gồm GS. Phong, chuyên viên kỹ thuật, GS Đinh Ngọc Lân, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Viện NLNTVN và ông Lê Bá Cáp, đại diện Bộ Ngoại giao. Trong suốt giai đoan 1977-1980 năm nào chúng ta cũng đều cử Đoàn tham dự Đại hội đồng IAEA và Hội nghị trù bị của Khối các nước xã hội chủ nghĩa trước Đại hội đồng IAEA để thống nhất quan điểm của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa về các vấn đề chính trị, ngoại giao sẽ được thảo luận tại Đại hội đồng IAEA. Sau mỗi kỳ họp Đại hội đồng IAEA năm nào Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng gọi ông Lê Bá Cáp và GS Phong lên báo cáo và trao đổi về các vấn đề được nêu ra trong Đại hội đồng. Như vậy, có thể nói GS Phong là chuyên gia kỹ thuật đã tham dự các kỳ Đại hội đồng IAEA đầu tiên ngay sau khi chúng ta tham gia trở lại làm thành viên của IAEA năm 1977 cho đến năm 1980. Thời gian đó nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất quan tâm đến phát triển ngành hạt nhân của Đất nước và có những chỉ đạo rất sâu sát, trực tiếp nghe các nhà khoa học và nhà quản lý của ngành hạt nhân báo cáo. Bây giờ thì cách chỉ đạo là khác rất nhiều, lãnh đạo quốc gia chỉ nghe báo cáo qua một cấp lãnh đạo trung gian (Bộ) nên không thể truyền tải hết được các nội dung về phát triển ngành hạt nhân. Vì thế quan tâm của lãnh đạo quốc gia đối với ngành hạt nhân hầu như không còn như ngày xưa nữa. Ngày xưa, chúng ta có khối xã hội chủ nghĩa nên việc thảo luận các vấn đề chính trị, ngoại giao tại Đại hội đồng IAEA đã có sự chỉ đạo trước ở các cuộc họp trù bị của khối xã hội chủ nghĩa nên cũng giảm nhiều áp lực cho các thành viên tham gia Đoàn, chỉ có những vấn đề hợp tác kỹ thuật thì phải tự các nước quyết định theo nhu cầu của mình. Tôi cũng vinh dự được tham dự Đại hội đồng IAEA từ năm 1998 đến năm 2016 và trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp đa phương, song phương với các đối tác khác nhau trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đông IAEA. Về chính trị ngoại giao sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã chúng ta phải tự quyết khi thảo luận và bỏ phiếu về các vấn đề chính trị, ngoại giao và kỹ thuật. Càng ngày chúng ta càng trưởng thành lên rất nhiều trong việc tham gia vào các hoạt động của IAEA và chúng ta đã từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng thống đốc của IAEA- một cơ quan quyết định các hoạt động của IAEA hàng năm. Nói như vậy không phải để hạ thấp vai trò của Đoàn đại biểu ta tham dự Đại hội đồng IAEA những năm đầu tiên sau khi gia nhập lại IAEA vì điều kiện của chúng ta ngày ấy còn rất khó khăn và những kết quả mang lại của Đoàn đại biểu của ta tham dự Đại hội đồng IAEA ngày ấy là các dự án viện trợ kỹ thuật có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế những năm sau chiến tranh như dự án Trung tâm chiếu xạ Hà nội, Dự án phát triển ứng dụng kỹ thuật NDT, dự án phân tích huỳnh quang tia X, dự án máy nhiễu xạ tía X,…. Hôm nay, nói lại việc này để ghi nhận các đóng góp của GS Nguyễn Nguyên Phong và GS Đinh Ngọc Lân đối với công tác đối ngoại của ngành hạt nhân nước nhà những năm đầu tiên sau khi chúng ta tham gia trở lại làm thành viên của IAEA sau năm 1975.
5. Tham gia đào tạo cán bộ hạt nhân cho Việt nam và Angola
GS Nguyễn Nguyên Phong là một trong những người đã đặt nền móng cho việc xây dựng chuyên ngành kỹ sư vật lý hạt nhân của Đại học Bách khoa Hà nội từ năm 1970 và đảm nhận cương vị Tổ phó Bộ môn vật lý hạt nhân từ 1970 đến 1995. GS Nguyễn Nguyên Phong cũng là Trưởng tiểu ban Vật lý hạt nhân để tuyển chọn các nghiên cứu sinh cử đi đào tạo ở nước ngoài hàng năm và trực tiếp giảng dạy môn Vật lý nơtron trong Tiểu ban. Sau khi nghỉ hưu, GS Phong đã được Chính phủ Angola mời sang làm chuyên gia cao cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ của nước bạn. Trong thời gian ở Angola, GS Phong đã trực tiếp giảng dạy vật lý hạt nhân cho Trường Đại học Agustino của nước bạn và đề xuất hợp tác giữa hai nước về khoa học và công nghệ cũng như triển khai chương trình đào tạo tiến sỹ vật lý hạt nhân cho nước bạn. Tôi cũng vinh dự tham gia vào chương trình đào tạo tiến sỹ giúp cho Angolar và đã đào tạo cho bạn 2 cán bộ lãnh đạo: TS. Candida, Bộ trưởng Bộ KH&CN Angola và TS Pedro, Giám đốc cơ quan pháp quy hạt nhân Angola. Ngoài ra, GS Phong còn giúp xây dựng ngành đạo tạo vật lý hạt nhân ứng dụng cho Angola, giúp Angola tham gia làm thành viên của IAEA và đề xuất các dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA cho bạn về thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ sản xuất và đời sống.
Nhân đọc cuốn sách “Chuyện về một nhà giáo ưu tú” của GS Nguyễn Nguyên Phong và Nguyễn Dy do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, xin được chia sẻ một số đóng góp của GS Phong cho ngành hạt nhân nước ta để cộng đồng hạt nhân hiểu thêm về các hoạt động của GS Phong cho ngành hạt nhân và tri ân các đóng góp của Giáo sư theo truyền thống Dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Xin được kính chúc GS Phong luôn khỏe mạnh và tiếp tục có đóng góp cho ngành hạt nhân nước nhà trong thời gian tới.
Vương Hữu Tấn (Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam)
-
VIỆC KÝ KẾT CÁC HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HẠT NHÂN CỦA VIỆT NAM -
ĐỀ XUẤT CHỌN NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA NGÀNH NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM -
Công ty Doosan Heavy Industries và Construction của Hàn Quốc đã được trao hợp đồng sản xuất và cung cấp thiết bị áp lực cho dự án quốc tế Lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiện (Iter) tại Pháp. -
Pháp chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới