NGÀY KHỞI ĐỘNG VẬT LÝ LÒ ĐÀ LẠT IVV-9 NĂM XƯA
25/09/2020
NGÀY KHỞI ĐỘNG VẬT LÝ LÒ ĐÀ LẠT IVV-9
Tháng 3 Tây Nguyên là mùa con ong đi lấy mật. Tháng 3 có nhiều sự kiện quan trọng đối với vùng đất Tây Nguyên. Trận mở màn cho Chiến dịch giải phóng Miền Nam cũng bắt đầu từ Ban Mê Thuộc ở Tây Nguyên vào ngày 10 tháng 3 năm 1975. Ngày đó chúng tôi còn ngồi trên ghế đại học ở Miền Bắc và hàng ngày theo dõi bản đồ chiến sự bên Hồ Gươm theo bước chân của Đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Ngày 3 tháng 4 năm 1975 Đà lạt hoàn toàn giải phóng. Không ai có thể biết được chỉ 4 năm sau chúng tôi đã trở thành công dân của Thành phố ngàn hoa này và được tham gia vào Công trình “Khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà lạt” – một công trình trọng điểm quốc gia khi đó.
Hôm nay 20 tháng 3 năm 2020 kỷ niệm 36 năm ngày ngọn lửa xanh lại được thắp sáng trên cao nguyên Lâm Viên sau khi chúng ta hoàn thành Công trình “Khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” và tiến hành khởi động vật lý lò phản ứng hạt nhân Đà lạt mới (lò IVV-9). Thực tế, ngọn lửa xanh của lò phản ứng hạt nhân Đà lạt cũ (lò TRIGA Mark II) đã được đốt lên lần đầu tiên vào năm 1963, nhưng nó chỉ hoạt động được 5 năm từ 1963 đến 1968 và sau đó thì dừng do chiến sự ác liệt trên cao nguyên Trung phần. Toàn bộ nhiên liệu của lò TRIGA Mark II đã được Mỹ tháo mang đi khỏi Đà lạt trước khi thành phố này được giải phóng (xem “Điệp vụ hạt nhân Đà Lạt”: sự kiện có thật được Mỹ giải mật năm 1997). Mặc dù thời gian hoạt động không nhiều, nhưng về cơ bản công tác tổ chức và quản lý của một cơ sở nghiên cứu hạt nhân đã được các đồng nghiệp trước đây của Trung tâm Nguyên tử Đà lạt thực hiện rất tốt. Thư viện của Trung tâm có nhiều tài liệu rất quý. Tôi đã được đọc Tuyển tập các bài giảng về vật lý hạt nhân của Fermi ở Thư viện của Trung tâm. Đó là một tài liệu rất hay và dễ hiểu, trong đó có nhiều bài tập giúp cho người học có thể hiểu được lý thuyết về hạt nhân (trong Thư viện sách mà Việt Kiều tại Pháp, TS Trần Đại Phúc, tặng cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng có tài liệu này, nhưng có lẽ ít người biết). Khi tham gia giảng dạy bên Đại học Đà lạt tôi đã sử dụng rất nhiều bài tập của Fermi để dạy cho học sinh. Các ấn phẩm khoa học (Priprint) của Trung tâm Nguyên tử Đà lạt hàng năm được xuất bản khá nhiều, thể hiện sự làm việc nghiêm túc của cán bộ nghiên cứu của Trung tâm. Các thiết bị thực nghiệm vật lý hạt nhân nếu so với bây giờ thì quá lạc hậu, nhưng hồi đó là hiện đại so với các phòng thí nghiệm hạt nhân của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hay trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi chúng tôi được đào tạo trước khi vào Đà Lạt. Đây là những công cụ thực thành quan trọng giúp cho các cán bộ trẻ mới tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước tập trung về đây có điều kiện học tập nâng cao trình độ về hạt nhân. Tôi rất ấn tượng với mười hai bài thực tập trên nguồn nơtron. Các bài tập này đã trang bị cho chúng tôi những kiến thức rất căn bản để hiểu về vật lý lò phản ứng và sau này đã được Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia (NLNTQG) sử dụng để đào tạo cho các ekip vận hành lò Đà Lạt trước khi gửi đi thực tập về vận hành lò phản ứng nghiên cứu ở Liên Xô. Ngày đó, tiếng Anh của chúng tôi còn rất yếu nên việc đọc và dịch các bài thực tập này ra tiếng Việt để làm thí nghiệm và truyền đạt lại cho đồng nghiệp cũng là một việc không dễ dàng. Khi chúng tôi vào làm việc tại Đà Lạt thì về cơ bản các anh chị trước đây làm việc tại Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt đã di tản ra nước ngoài, chỉ còn anh Tôn Thất Côn, Trưởng phòng Điện tử hạt nhân là gắn bó mãi sau này với lò Đà Lạt. Sau khi nghỉ hưu anh Côn cũng đã sang Hoa Kỳ định cư cùng với gia đình. Hiện nay thỉnh thoảng vẫn gặp anh Côn trên Fb và rất mừng thấy anh vẫn còn khỏe mặc dù anh cũng đã U90 rồi. Chúng tôi rất ấn tượng với phong cách làm việc cẩn thận, tỷ mỉ, chu đáo của anh Côn, đại diện cho một thế hệ được đào tạo khá bài bản trước đây. Có lẽ làm hạt nhân thì cần phải được đào tạo như vậy, đúng như các yêu cầu của “văn hóa an toàn” ở các cơ sở hạt nhân hiện nay. Chính các anh chị ngày đó đã thực hành các nội hàm của văn hóa an toàn ở cơ sở hạt nhân rồi chỉ có điều là khi đó chưa có khái niệm “văn hóa an toàn” của các cơ sở hạt nhân. Chúng tôi còn nhớ ngày ấy cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc máy phân tích biên độ nhiều kênh (IN-90) được Nhà nước đầu tư cho Viện Khoa học Việt Nam (GS Nguyễn Văn Hiệu làm Viện trưởng) và cho Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia (GS Nguyễn Đình Tứ làm Viện trưởng). Mỗi khi có lãnh đạo cấp cao vào thăm lò Đà Lạt thì đều được dẫn đến thăm phòng máy IN-90 vì nó là thiết bị hiện đại nhất lúc bấy giờ vừa giúp cho việc tính toán, vừa giúp cho việc đo phổ bức xạ gamma và xử lý, in kết quả tự động. Anh Côn được lãnh đạo Phân viện Hạt nhân Đà Lạt ngày ấy và nay là Viện Nghiên cứu Hạt nhân phân công đào tạo và kiểm tra cấp chứng chỉ để được sử dụng máy phân tích biên độ nhiều kênh IN-90 này. Nhiều khóa học đã được tổ chức và cũng nhiều người đã không vượt qua được kỳ kiểm tra của anh Côn, không có chuyện nhân nhượng ở đây để được làm việc trên IN-90 đâu. Thế mới biết quản lý nội bộ ngành hạt nhân ngày ấy cũng đã được thực hiện rất nghiêm cho dù lúc đó chúng ta chưa có cơ quan pháp quy hạt nhân, chưa có văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay. Bây giờ thì có nhiều loại hình công việc bức xạ phải có chứng chỉ đào tạo mới được cấp giấy phép hoạt động, nhưng việc đào tạo chưa chắc đã được thực hiện nghiêm túc như ngày ấy ở lò Đà Lạt. Viết ra điều này để nhắc nhở các bạn đang chịu trách nhiệm quản lý hiện nay suy nghĩ và làm sao để văn hóa an toàn thấm vào mỗi người hoạt động trong ngành hạt nhân từ cán bộ quản lý đến nhân viên.
Công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được bắt đầu từ năm 1980. Tôi không được vinh dự tham gia vào toàn bộ các giai đoạn thực hiện Công trình này cũng như chứng kiến thời khắc ngọn lửa xanh của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt mới được đốt lên ngày 20 tháng 3 năm 1984. Cuối năm 1980 GS Nguyễn Đình Tứ vào làm việc với Phân viện Hạt nhân Đà Lạt và có đề nghị Phân viện Hạt nhân Đà Lạt cử người đi thi nghiên cứu sinh theo chương trình của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (ĐH&THCN) vì khi đó GS Nguyễn Đình Tứ còn đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ ĐH&THCN. Sau buổi làm việc với GS Nguyễn Đình Tứ, Trưởng phòng Vật lý hạt nhân, PGS.TS Nguyễn Tác Anh, đã thông báo tôi được lãnh đạo Phân viện Hạt nhân Đà Lạt và Viện NLNTQG đồng ý cho đi thi nghiên cứu sinh cùng với 01 cán bộ nữa của phòng Sinh học phóng xạ. Đây là một vinh dự rất lớn, một ưu ái lớn đối với tôi vì mới tốt nghiệp đại học hơn 1 năm đã được đi thi nghiên cứu sinh, đồng thời cũng là sự ghi nhận các công việc mà tôi đã làm trong hơn 1 năm ở lò Đà Lạt để được lãnh đạo ủng hộ. Tự hào là vậy, nhưng bản thân cũng rất lo vì cuộc thi nghiên cứu sinh ngày ấy là cuộc cạnh tranh rất rất khốc liệt để tìm đường đi nước ngoài của cán bộ khoa học – con đường duy nhất để cứu nước cứu nhà. Bản thân tôi hồi đó mong muốn được đi làm cộng tác viên ở Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna hay đi đào tạo theo kênh của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hơn vì không phải qua kỳ thi khắc nghiệt như vậy mà thu nhập lại tốt hơn. Ngoài môn Toán cho vật lý và Ngoại ngữ, còn về chuyên ngành hạt nhân thì các thí sinh phải thi 2 môn là Vật lý hạt nhân và Vật lý nơtron. Để được đỗ, thí sinh phải gần như đạt được điểm tuyệt đối với 2 môn chuyên ngành. Các sỹ tử tham gia kỳ thi này phải học ngày, học đêm. Đến Thư viện Quốc gia ở phố Tràng Thi hay Thư viện Khoa học kỹ thuật Trung ương ở phố Lý Thường Kiệt học phải mang theo cả đèn dầu phòng khi mất điện còn có đèn dầu để học tiếp. Mọi người có thông tin gì liên quan đến môn thi thì hầu như giữ làm của riêng để tạo lợi thế cạnh tranh. Tôi thực tình cũng không có suy nghĩ về vấn đề này vì chưa bao giờ có ý nghĩ như vậy và cũng vì các đối thủ cạnh tranh với mình trong kỳ thi tôi đều đã biết hết trình độ của họ. Chẳng những không dấu bài các đối thủ mà tôi còn dạy cho họ những chỗ họ không hiểu cả về hạt nhân, lập trình Fortran và ngoại ngữ vì tôi có điều kiện học được khá nhiều trong hơn 1 năm ở Đà lạt về các môn này. Vì thế sau này khi các đối thủ không đậu họ rất nể phục và kết thành bạn thân mặc dù họ đã có quen thân các thày trong Hội đồng thi hơn do có người thân có trọng lượng giới thiệu. Qua đó tôi thật sự tin cậy về cách thức tổ chức thi nghiên cứu sinh ngày đó, không như bây giờ có bao nhiêu chuyện tiêu cực trong thi cử như mọi người đã biết. Một anh bạn khác của Phòng sinh học phóng xạ thì bỏ thi vì bị tai nạn xe máy, nhưng mọi người thì cứ nói là anh ấy bỏ thi vì không chịu được áp lực của kỳ thi. Bên trường Đại học Đà Lạt, các bạn của tôi về cơ bản đều phải thi hai lần mới qua được kỳ thi nghiên cứu sinh. Vì thế nên tôi cũng được xem là may mắn thi một lần ăn ngay. Sau khi hoàn thành kỳ thi, tôi trở lại làm việc ở Phân viện Hạt nhân Đà Lạt và tham gia vào Công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ tháng 7/1981 cho đến tháng 9/1983 thì đi học Tiếng Nga để chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Do đó thực tế tôi chỉ có hơn 1 năm tham gia vào Công trình này. Ngày khởi động vật lý lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20/3/1984) thì tôi đang học tiếng Nga ở thành phố Hồ Chí Minh, không được chung vui cùng các đồng nghiệp về sự kiện quan trọng này. Sau khi kết thúc khóa học tiếng Nga, tôi tham gia vào việc khảo sát đặc trưng vật lý của các kênh notron của lò phản ứng IVV-9 để chuẩn bị kế hoạch khai thác sử dụng sau này trước khi đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Sau khi hoàn thành bảo vệ luận án tiến sỹ năm 1989, tôi đã trở về lại Đà Lạt chủ trì hướng nghiên cứu về khai thác các kênh nơtron sử dụng kỹ thuật phin lọc – một hướng nghiên cứu mà tôi đã làm tại Kiev và được GS Phạm Duy Hiển ký kết hợp tác với Viện Hạt nhân Kiev. Ngày 14 tháng 2 năm 2020 vừa qua kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, GS Phạm Duy Hiển có nhắc đến vai trò quan trọng của lò Đà Lạt trong việc đào tạo cán bộ và ông có nhắc đến 3 nhân chứng là anh Nguyễn Nhị Điền, anh Lê Hồng Khiêm và tôi, những cán bộ của Phân viên Hạt nhân Đà Lạt ngày ấy đã được đào tạo từ lò Đà Lạt và được giao đảm nhận trách nhiệm viện trưởng của 3 viện lớn là : Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Viện Vật lý. Nhóm 4 đứa chúng tôi chơi với nhau từ ngày đầu mới vào Đà Lạt là Lê Hồng Khiêm, Trần Hùng, Nguyễn Văn Vinh và tôi, ở cùng tầng 4 của Giáo hoàng học viện tại 13 Đinh Tiên Hoàng, ăn cơm chung với nhau, đi “tán gái” cùng nhau bây giờ đều đã U70 cả rồi, nhưng cũng rất mừng là tất cả đều được người ta gọi là ông tiến sỹ, ông giáo sư, ông phó giáo sư cả.
Cùng thời với chúng tôi còn có nhiều người khác nữa cũng được đào tạo tại lò Đà Lạt và trở thành các tiến sỹ, thạc sỹ mà tôi xin được điểm tên một số người như sau: TS Vũ Như Ngọc, TS. Lê Văn Sơ, TS. Hà Văn Thông, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, TS Đinh Sỹ Hiền, TS Nguyễn Quốc Hiến, TS. Lê Xuân Thám, TS. Nguyễn Văn Minh, TS. Trần Quế, TS. Nguyễn Văn Hùng, TS. Phan Sơn Hải, Ths. Nguyễn Thanh Bình, Ths Trần Khắc Ân. Tiếp sau là một thế hệ các cán bộ tốt nghiệp từ Đại học Đà Lạt về cũng đã được đào tạo tại lò Đà Lạt để trở thành các tiến sỹ và thạc sỹ gồm các anh chị sau: TS. Đỗ Quang Bình, Ths Lương Bá Viên, TS. Nguyễn Trọng Ngọ, TS. Hồ Mạnh Dũng, TS. Nguyễn Xuân Hải, TS. Phạm Ngọc Sơn, TS. Trần Tuấn Anh, TS. Nguyễn Giằng, TS. Cao Đông Vũ, Ths. Nguyễn Kiên Cường, Ths. Nguyễn Minh Tuân, TS. Nguyễn Thị Thu,… Ngoài ra, còn nhiều người trẻ khác nữa mà trong bài viết ngắn này không thể nhắc hết được.
Sẽ là khiếm khuyết nếu trong ngày Lễ quan trọng này lại không nhắc đến các thế hệ lãnh đạo trong những ngày đầu ở lò Đà lạt, trong đó nhiều anh chị đã về cõi vĩnh hằng. Xin được tri ân các anh chị lãnh đạo thời kỳ đầu ở lò Đà Lạt: GS. TS. Phạm Duy Hiển, TS. Phạm Khắc Chi, TSKH Trần Hà Anh, TS. Phạm Quốc Trinh, GS.TS. Ngô Quang Huy, ông Trần Lâm, ông Trần Viết Giáp, PGS.TS Trần Thanh Minh, PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, PGS.TS. Nguyễn Tác Anh, TSKH Vũ Hải Long, TS. Trần Khánh Mai, TS. Phạm Ngọc Trưởng, KS Tôn Thất Côn, TS. Nguyễn Ngọc Lâm, TS. Phan Trực, PGS.TS. Lê Đắc Liêu, TS. Trần Tích Cảnh, KS. Nguyễn Văn Thuấn, KS Trịnh Hồng Lĩnh, KS Nguyễn Văn Nguyên, KS Nguyễn Bách Hợp, KS Dương Quang Tân và một số anh chị khác nữa đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công Công trình “Khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” cách đây 36 năm. Không thể không nhắc đến các chuyên gia Liên Xô đã giúp chúng ta thực hiện thành công Công trình này, trong đó có những nhân vật quan trọng như Tổng công trình sư Ulichin và các kỹ sư Golavach, Ozumai,… mà tôi đã được làm việc cũng như được đến thăm họ tại quê hương của họ khi tôi học tập cũng như công tác tại Liên Xô và Liên bang Nga.
Hôm nay nhân sự kiện kỷ niệm 36 năm ngày khởi động vật lý của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt IVV-9, xin được tri ân sự quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện của lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hạt nhân, đặc biệt GS Phạm Duy Hiển và các đồng nghiệp ở Đà Lạt đã giúp đỡ chúng tôi có điều kiện làm việc và phát triển sự nghiệp để mỗi người có được các kết quả như ngày hôm nay. Xin được tri ân các anh chị đã đóng góp công sức vào việc thực hiện Công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cách đây 36 năm, nhiều người trong số này đã không còn đến hôm nay để thấy được các kết quả mà Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đạt được phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước. Cái duyên đã đưa chúng ta đến Đà Lạt để làm bạn với nhau, để cùng nhau ngồi chung một con thuyền “Hạt nhân Việt Nam” để đến hôm nay dù ở chân trời góc biển nào vẫn nhớ đến nhau trong những ngày quan trọng của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Chúc cho tất các các anh chị em của Viện Nghiên cứu Hạt nhân qua các thời kỳ mỗi người, mỗi nhà đều có sức khỏe tốt, có cuộc sống hạnh phúc và thành công.
Hôm nay ngày 20/3 cũng là ngày sinh lần thứ 99 của Thân phụ tôi. Người đã ra đi về cõi vình hằng gần 17 năm rồi. Bài viết này hôm nay như một nén tâm hương để nhớ về Người và cầu chúc cho Người được siêu sinh thịnh độ, phù hộ cho toàn Gia đình được hạnh phúc và bình an.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 3 năm 2020
Tác giả: Vương Hữu Tấn
-
VIỆC KÝ KẾT CÁC HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HẠT NHÂN CỦA VIỆT NAM -
ĐỀ XUẤT CHỌN NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA NGÀNH NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM -
Công ty Doosan Heavy Industries và Construction của Hàn Quốc đã được trao hợp đồng sản xuất và cung cấp thiết bị áp lực cho dự án quốc tế Lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiện (Iter) tại Pháp. -
Pháp chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới