BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ CHIẾU XẠ Y TẾ VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
25/09/2020
BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ CHIẾU XẠ Y TẾ VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Ứng dụng bức xạ trong y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh là một trong các ứng dụng chủ yếu của năng lượng nguyên tử. Sau khi Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình được ban hành năm 2006 và Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong y tế của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt năm 2010, các ứng dụng bức xạ trong chẩn đoán và điều trị ở nước ta đã phát triển rất mạnh ngang tầm các nước tiến tiến trong khu vực, nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực này cũng đã được triển khai ứng dụng ở nước ta như ở các nước phát triển. Do sự phát triển rất mạnh các ứng dụng bức xạ trong y tế nên không tránh khỏi có các bất cập trong quản lý bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
1. Tình hình quản lý chiếu xạ y tế trên thế giới
Hàng năm trên toàn thế giới có trên 4 tỷ ca chụp X quang chẩn đoán, 33 triệu ca chẩn đoán và điều trị y học hạt nhân và 5,5 triệu ca xạ trị. Trung bình khoảng 10 triệu người/ngày phải làm các chẩn đoán và điều trị sử dụng bức xạ. Liều bức xạ do X quang chẩn đoán chiếm 90% tổng liều chiếu gây bởi các nguồn bức xạ nhân tạo cho dân chúng. Hiện nay trên thế giới vẫn có đến 20-50% số ca chụp chiếu là không cần thiết hoặc được thực hiện không bảo đảm an toàn bức xạ, nói riêng có 3 nước con số này là 80%, đã làm tăng liều chiếu xạ cho bệnh nhân. Số liệu mới nhất được báo cáo tại Hội nghị của IAEA (4-6/3/2019) chỉ ra rằng trong số 2,5 triệu bệnh nhân ở 15 nước thì có trên 1% số bệnh nhân đã nhận liều bức xạ tích lũy trên 100 mSv trong toàn bộ các kiểm tra y tế. Một bệnh nhân cũng có thể nhận liều chiếu xạ lên đến 100 mSv từ 10-12 lần chẩn đoán CT theo yêu cầu của bác sỹ chẩn đoán và điều trị bệnh. Liều chiếu xạ 100 mSv sẽ có xác xuất gây ung thư 0,5%. Một số điều tra của các nước về hậu quả chiếu xạ y tế cho kết quả báo động như sau liên quan đến ung thư thứ phát:
- Số liệu của Mỹ: 1/3 số ca chụp chiếu ít ý nghĩa và khi chụp thì bác sỹ cũng chưa quan tâm đến vấn đề giảm liều chiếu bệnh nhân. Ít nhất 2% của tất cả các bệnh ung thư trong tương lai ở Mỹ, tức là khoảng 29.000 ca mắc mới và 15.000 người chết/năm là từ nguyên nhân riêng chiếu chụp CT.
- Số liệu ở Úc: Điều tra 680.000 trẻ em chụp CT và 10 triệu trẻ em không chụp cho thống kê sau. Cứ 10.000 trẻ em chụp CT thì sẽ có 45 em mắc ung thư sau 10 năm so với con số 39 em bị mắc mà không chụp CT. Về tổng thể thì những người chụp CT sẽ chịu rủi ro mắc ung thư tăng 24% so với người không chụp và mỗi lần chụp bổ sung lại làm tăng sác xuất ung thư thêm 16%. Trẻ em trước 5 tuổi mà chụp CT sẽ có sác xuất ung thư tăng hơn 35% so với không có chiếu chụp.
- Số liệu của Anh: 1000 trẻ em chụp CT ổ bụng thì có 1 em bị phát ung thư. Trong số 180.000 trẻ em có làm các chiếu chụp liên quan đến CT thì sẽ có rủi ro cao mắc ung thư bạch cầu và ung thư não.
- Một nghiên cứu khác năm 2013 cho kết quả trong số 1250 người lớn (trên 45 tuổi) chụp CT toàn thân thì sẽ có 1 người bị chết về bệnh ung thư.
Nguyên nhân của chiếu chụp không cần thiết và không bảo đảm an toàn
(1) Lợi ích kinh tế: Bác sỹ đầu tư hoặc có lợi ích từ thiết bị chẩn đoán
(2) Lo sợ về kiện tụng: Nhiều trường hợp ca chụp là không cần thiết, nhưng do sợ bị kiện tụng nên phải thực hiện
(3) Cán bộ thiếu kinh nghiệm
(4) Bệnh nhân không được thông tin đầy đủ về rủi ro của bức xạ
(5) Yêu cầu của bệnh nhân
(6) Các quy định của pháp luật chưa đầy đủ.
(7) Chưa có chương trình đào tạo chuẩn để cấp chứng chỉ hành nghề cho kỹ thuật viên chụp chiếu do một tổ chức có thẩm quyền cấp (ở Mỹ là American Registry of Radiologic Technologists).
(8) Thiết bị chụp chiếu chưa được kiểm định và hiệu chuẩn phù hợp, đặc biệt chưa có chứng nhận chất lượng của tổ chức có thẩm quyền (như ở Mỹ là American College of Radiology)
Vì vậy, có rất nhiều hoạt động quốc tề gần đây nhằm tăng cường kiểm soát chiếu xạ y tế, đặc biệt là Tuyên bố chung của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức y tế thế giới (WTO) với chương trình hành động 10 điểm để thực hiện giảm liều chiếu cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Các nước phát triển 1-2 năm/lần tiến hành điều tra liều chiếu xạ bệnh nhân, các nước khác thì đa số là 3-5 năm/lần để đánh giá xem các quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh sử dụng bức xạ đã bảo đảm an toàn bức xạ cho bệnh nhân hay không. Nhân viên bức xạ y tế thì hàng tháng hoặc hàng quý sẽ được tổ chức đánh giá liều chiếu xạ thông qua việc đeo liều kế cá nhân.
2. Tình hình quản lý chiếu xạ y tế ở nước ta
Việt Nam chưa có các nghiên cứu về quản lý chiếu xạ y tế, hậu quả của chiếu xạ y tế quá liều và cũng chưa có bất kỳ một hành động nào để thực hiện Tuyên bố chung IAEA-WHO về quản lý chiếu xạ y tế.
Theo Báo cáo về công tác quản lý an toàn bức xạ năm 2018 của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) thì toàn quốc có trên 8000 thiết bị X-quang sử dụng trong chẩn đoán, đa dạng về chủng loại, tăng gấp gần 3 lần so với 10 năm trước. Đồng nghĩa với sự tăng về mặt thiết bị X quang chẩn đoán là một số lượng lớn các ca chụp X quang đang được tiến hành trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, kỹ thuật viên X quang chẩn đoán cũng như phần lớn dân chúng chỉ quan tâm đến kết quả chẩn đoán mà chưa quan tâm đến liều bệnh nhân trong chụp ảnh X quang chẩn đoán. Một thực tế đang tồn tại ở Việt Nam là kết quả chụp tại bệnh viện này không sử dụng được tại các bệnh viện khác. Điều này cũng làm tăng liều chiếu xạ bệnh nhân và gây lãng phí cho người bệnh. Gần đây Bộ Y tế đã ban hành quy định về việc sử dụng chung kết quả chẩn đoán của các bệnh viện. Tuy nhiên, để thực hiện được quy định này thì phải có yêu cầu cao về quy trình bảo đảm chất lượng trong các chiếu xạ y tế, trong đó ngoài chất lượng thiết bị còn cần có đội ngũ cán bộ vật lý y học có trình độ.
Theo đánh giá sơ bộ vào đàu những năm 2010 thì hàng năm ở nước ta có khoảng 23 triệu ca chụp X quang chẩn đoán và con số này ngày càng gia tăng khi mức sống của người dân được nâng lên, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ngoài ra, còn các loại thiết bị hiện đại khác như SPECT, PET, PET/CT và X quang can thiệp ngày càng sử dụng nhiều trong chẩn đoán và điều trị. Số lượng thiết bị xạ trị cũng tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt thiết bị xạ trị gia tốc LINAC đã có trên 60 chiếc trong cả nước so với 4 chiếc năm 2006. Việc sử dụng các thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh này sẽ làm tăng liều chiếu xạ cho bệnh nhân và nhân viên bức xạ trong ngành y tế nếu không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn bức xạ.
Ở phạm vi quốc gia cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúng ta chưa có số liệu điều tra về chiếu xạ y tế để biết công tác quản lý chiếu xạ y tế được thực hiện như thế nào so với quốc tế. Một số nghiên cứu nhỏ lẻ cho kết quả sơ bộ: liều chiếu xạ bệnh nhân của chúng ta là cao hơn so với quy định trong Thông tư 13 cũng như so với quốc tế, riêng X-quang can thiệp có đến 43% giá trị đo là cao hơn mức chỉ dẫn. Các nguyên nhân làm tăng liều chiếu xạ bệnh nhân đã nêu trên đối với quốc tế cũng đúng cho trường hợp của Việt Nam. Vẫn còn hiện tượng nhân viên bức xạ không đeo liều kế hoặc bỏ quên liều kế trong các buồng chiếu chiếu xạ. Nhân viên bức xạ đeo liều kế không đúng hướng dẫn làm cho kết quả đo liều không chính xác. Công tác quản lý dịch dịch vụ đo liều chiếu xạ cũng còn có những hạn chế. Việc lạm dụng chiếu chụp vẫn còn tồn tại. Các bệnh viện chưa sử dụng kết quả chẩn đoán của nhau cũng làm tăng liều chiếu xạ bệnh nhân. Khuôn khổ luật pháp, đào tạo nhân lực, kiểm định và hiệu chuẩn, công tác cấp phép và thanh tra còn có những bất cập gián tiếp làm tăng liều chiếu bệnh nhân.
3. Các giải pháp tăng cường quản lý chiếu xạ y tế
Để khắc phục các bất cập, hạn chế trong quản lý chiếu xạ y tế, hưởng ứng tuyên bố chung của IAEA-WHO về tăng cường quản lý chiếu xạ y tế và tham khảo kinh nghiệm của các nước tiến tiến trên thế giới trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị, cần phải có Chỉ thị của cấp có thảm quyền về tăng cường quản lý chiếu xạ y tế với các nội dung chính như sau:
3.1. Mục đích:
- Tăng cường bảo vệ bức xạ cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
- Đạt được lợi ích cao nhất với rủi ro thấp nhất có thể cho tất cả bệnh nhân bằng cách sử dụng bức xạ ion hóa an toàn và phù hợp.
- Tích hợp đầy đủ biện pháp bảo vệ bức xạ vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
- Đối thoại công khai với bệnh nhân và cộng đồng về rủi ro và lợi ích của ứng dụng bức xạ trong chẩn đoán và điều trị.
- Tăng cường bảo đảm an toàn và chất lượng của các quy trình và thiết bị chẩn đoán và điều trị sử dụng bức xạ.
3.2. Nội dung
(1) Tăng cường thực hiện nguyên tắc luận chứng trong chẩn đoán và điều trị sử dụng bức xạ ion hóa
- Các cơ sở y tế khi ra quyết định sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị phải luận chứng được lợi ích là lớn hơn rủi ro do bức xạ ion hóa gây ra cho bệnh nhân.
- Xây dựng các tiêu chí sử dụng phù hợp cho các chẩn đoán bức xạ ion hóa và bức xạ không y ion hóa.
(2) Tăng cường thực hiện nguyên tắc tối ưu hóa về bảo vệ và an toàn bức xạ trong y tế
- Thiết lập, sử dụng và cập nhật thường xuyên các mức liều tham chiếu cho các quy trình X quang chẩn đoán và X-quang can thiệp, đặc biệt là cho trẻ em;
- Tăng cường thiết lập chương trình đảm bảo chất lượng cho các chiếu xạ y tế, như là một phần của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện;
- Thực hiện các chỉ dẫn liều xuất viện phù hợp cho bệnh nhân y học hạt nhân và xây dựng các hướng dẫn chi tiết hơn khi cần thiết;
- Phát triển và áp dụng các giải pháp công nghệ quản lý hồ sơ chiếu xạ bệnh nhân, thống nhất định dạng dữ liệu về liều chiếu xạ do các loại thiết bị chẩn đoán hình ảnh khác nhau và tăng cường sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử.
(3) Tăng cường công tác đào tạo cho nhân viên bức xạ y tế
- Tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ an toàn bức xạ, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên bức xạ y tế trong các lĩnh vực sử dụng bức xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh;
- Phát triển các công cụ đào tạo trên Internet để các nhóm lớn hơn có thể tiếp cận cho mục đích đào tạo;
- Tích hợp nội dung đào tạo vào chương trình giảng dạy của các trường đào tạo về y khoa và nha khoa, đảm bảo thiết lập năng lực cốt lõi trong các lĩnh vực này;
- Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp trong công tác đào tạo an toàn bức xạ, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên bức xạ y tế.
(4) Thúc đẩy nghiên cứu phát triển về bảo vệ bức xạ trong y học
- Tổ chức điều tra về ảnh hưởng sức khỏe do liều chiếu thấp và các rủi ro bức xạ do chiếu xạ trong và chiếu xạ ngoài gây ra, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ có thai, với mục tiêu làm giảm sai số trong đánh giá rủi ro bởi liều chiếu xạ thấp.
- Nghiên cứu các phương pháp đánh giá liều của các cơ quan bên trong, bao gồm đo liều bệnh nhân khi sử dụng các nguồn phóng xạ hở, cũng như đo liều lượng chùm tia ngoài có trường chiếu nhỏ.
(5) Xây dựng cơ sở dữ liệu về liều chiếu xạ bệnh nhân và liều chiếu xạ nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế
- Tổ chức thu thập dữ liệu định kỳ 3 – 5 năm/lần về liều chiếu xạ bệnh nhân trên toàn quốc và chia sẻ thông tin với các nước;
- Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về chiếu xạ nghề nghiệp trong y tế trên toàn quốc và có biện pháp bảo vệ bức xạ phù hợp để giảm liều chiếu xạ nghề nghiệp trong y tế.
- Sử dụng các cơ sở dữ liệu này như một công cụ để quản lý chất lượng và phân tích xu hướng, đề xuất giải pháp giảm liều chiếu xạ y tế.
(6) Phòng ngừa tai nạn và sự cố bức xạ y tế
- Nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ các sự cố, tai nạn liên quan đến an toàn sử dụng bức xạ trong y tế;
- Nghiên cứu phân loại các tai nạn và sự cố bức xạ trong y tế phục vụ cho công tác truyền thông liên quan về mức độ nghiêm trọng của sự cố, tai nạn so với các sự cố, tai nạn trong các lĩnh vực y tế khác;
- Tập trung nghiên cứu các sự cố, tai nạn trong kỹ thuật xạ trị áp sát, X quang can thiệp, y học hạt nhân điều trị và xạ trị bằng chùm tia ngoài;
- Thực hiện các phương pháp phân tích rủi ro tiềm tàng để tăng cường an toàn trong thực hành lâm sàng;
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra an toàn độc lập của các cơ quan quản lý như một thành phần thiết yếu của các biện pháp an toàn sử dụng bức xạ trong y tế.
(7) Xây dựng và thực hiện văn hóa an toàn trong các cơ sở y tế
- Xây dựng văn hóa an toàn trong các cơ sở y tế;
- Thực hiện tốt công tác kiểm định, hiệu chuẩn và cấp chứng nhận thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh sử dụng bức xạ bởi các cơ quan có thẩm quyền.
- Bổ sung chuyên ngành vật lý y học như một loại hình nhân viên bức xạ y tế chịu trách nhiệm về bảo vệ bức xạ và bảo đảm chất lượng cho thiết bị và quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh sử dụng bức xạ;
(8) Thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích-rủi ro bức xạ
- Cung cấp thông tin đầy đủ về lợi ích và rủi ro bức xạ cho các chuyên gia về sức khỏe, bệnh nhân và công chúng;
- Việc ra quyết định chẩn đoán và điều trị bệnh sử dụng bức xạ phải được trao đổi với bệnh nhân về các rủi ro liên quan.
(9) Tăng cường thực hiện các yêu cầu an toàn quốc tế
- Xây dựng hướng dẫn thực hành áp dụng Tiêu chuẩn an toàn bức xạ cơ bản quốc tế trong chăm sóc sức khỏe;
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an toàn bức xạ trong y tế và thực hiện thanh tra tại chỗ để xác định những thiếu sót trong áp dụng của các văn bản quy phạm pháp luật này.
3.3. Tổ chức thức hiện
(1) Các cơ sở y tế
- Chịu trách nhiệm trực tiếp về bảo đảm an toàn bức xạ cho bệnh nhân và nhân viên bức xạ y tế.
- Tổ chức thức hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình trong 9 nhiệm vụ nêu trên.
(2) Bộ Khoa học và Công nghệ
- Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ này của các cơ sở y tế trong cả nước.
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an toàn bức xạ trong y tế, xây dựng các hướng dẫn bảo đảm an toàn bức xạ trong lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân và xạ trị.
- Hoàn thiện các quy định về cấp phép trong lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân và xạ trị.
- Hoàn thiện các quy định về kiểm định, hiệu chuẩn và chứng nhận chất lượng thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh sử dụng bức xạ, tổ chức kiểm tra bảo đảm chất lượng các hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn và đo liều bức xạ.
- Xây dựng các yêu cầu về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và an toàn bức xạ cho các loại hình nhân viên bức xạ y tế, tổ chức kiểm tra bảo đảm chất lượng các dịch vụ đào tạo này.
- Bổ sung chuyên ngành vật lý y học là một loại hình nhân viên bức xạ y tế và xây dựng các yều cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo cho loại hình nhân viên bức xạ y tế này.
- Ban hành hướng dẫn đánh giá liều chiếu xạ bệnh nhân.
(3) Bộ Y tế
- Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm của cơ sở y tế.
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đối với các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
- Phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng các văn bản quy phạm, hướng dẫn liên quan đến bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.
- Tổ chức định kỳ 3 -5 năm/lần đánh giá liều chiếu xạ bệnh nhân trong các cơ sở thuộc thẩm quyền bắt đầu từ năm 2020.
(4) Các Bộ, ngành liên quan
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đối với các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
- Tổ chức định kỳ 3 -5 năm/lần đánh giá liều chiếu xạ bệnh nhân trong các cơ sở thuộc thẩm quyền bắt đầu từ năm 2020.
(5) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm của cơ sở y tế.
- Tổ chức định kỳ 3 – 5 năm/lần đánh giá liều chiếu xạ bệnh nhân trong các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý bắt đầu từ năm 2020
- Nâng cao năng lực thực hiện công tác cấp phép, thanh tra các cơ sở X-quang trên địa bàn bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.
(6) Các hội nghề nghiệp
Phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở y tế thực hiện công tác thông tin tuyền truyền, giáo dục và đào tạo có liên quan đến các nội dung nêu trên.
Xin được chia sẻ một số ý kiến với cộng đồng những người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để có cùng tiếng nói nhằm tăng cường công tác quản lý chiếu xạ y tế để người dân được hưởng lợi từ các thành quả của năng lượng nguyên tử phục vụ công tác khám và chữa bệnh một cách an toàn và hiệu quả.
Sưu tầm và biên soạn: Vương Hữu Tấn (Hội NLNTVN)
-
Công ty Doosan Heavy Industries và Construction của Hàn Quốc đã được trao hợp đồng sản xuất và cung cấp thiết bị áp lực cho dự án quốc tế Lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiện (Iter) tại Pháp. -
Argentina’s Newly Recognized Fruit Fly Free Areas Expedite Fresh Fruit Exports to China -
Pháp chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới -
Tiếp Đại sứ Ấn Độ đến thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân